Chưa từng có sản phẩm nào có khả năng "náo loạn" thị trường smartphone như iPhone 6 - đó là nhận xét chung của rất nhiều thương gia lẫn cửa hàng kinh doanh mặt hàng này. Có lúc chỉ sau vài tiếng đồng hồ, người mua đã bị "hớ" gần chục triệu đồng chỉ vì giá sản phẩm thay đổi chóng mặt.
Giá thành biến động quá nhiều kèm với việc lượng máy không ổn định khiến cho người mua cùng các thương gia dè dặt khi nhắc tới iPhone 6.
Anh phát biểu: "Những thương gia nhỏ như chúng tôi phải sang nước ngoài mua iPhone về sau đó bán lại ở Việt Nam với chênh lệch để có lãi. Không những công sức xếp hàng, cạnh tranh với người địa phương để mua iPhone, giờ đây chúng tôi còn phải cạnh tranh với chính những cửa hàng tại Việt Nam đang có hiện tượng làm giá, gây nhiễu loạn thị trường.
Giá thành đã định ban đầu của chúng tôi thấp hơn một chút so với các cửa hàng bán ra. Thế nhưng khi vừa lấy máy về tới Việt Nam thì giá đã lập tức giảm, các chi phí như di chuyển, ăn ở và thuế khá lớn nên nếu bán giá quá thấp sẽ lỗ. Ngược lại bán quá cao sẽ không ai mua vì cửa hàng để giá rẻ hơn khá nhiều".
Các thương gia không những phải cạnh tranh với khách hàng mua máy tại nước ngoài mà còn phải cạnh tranh với những thương gia và cửa hàng khác khi về Việt Nam.
Một số cửa hàng giao giá máy rẻ luôn gặp phải tình trạng không có hàng để bán ra, tâm lý mua hàng giá rẻ khiến cho iPhone có giá thấp hơn bán rất chạy. Những cửa hàng này thậm chí nhận trước tiền cọc của khách nhưng không có máy để bán. Điều đó tác động không nhỏ đến mức giá của những người bán lẻ, vốn phải dựa trên giá bán ra của các cửa hàng lớn để tự điều chỉnh giá.
Người mua lại chính là những người thiệt nhất
Thương gia phía trên còn cho hay, nhiều cửa hàng đã liên hệ với anh để mua lại máy với giá cao hơn nhằm có máy chuyển cho khách hàng. Mức giá này lại biến động theo mặt bằng chung các cửa hàng nên anh cũng không rõ liệu mình có bị "hớ" hay không.
Theo quan điểm cá nhân, anh cho rằng các cửa hàng đang làm giá không chỉ để cạnh tranh lẫn nhau mà còn để các thương gia "non tay" lo sợ từ đó bán ra nguồn máy giá rẻ. Các cửa hàng sẽ thu mua vào bán ra lấy chênh lệch mà không mất công đưa người đi nước ngoài xếp hàng mua máy cũng như những vấn đề liên quan.
Thương gia giấu tên phía trên cho rằng các cửa hàng đang làm giá để khiến thị trường loạn đồng thời cạnh tranh với đối thủ nhưng thực chất họ thậm chí chẳng có máy để bán ra ngoài. (Ảnh: NDTV)
Thiệt nhất trong việc này vẫn là người dùng, một số người dùng chi cả vài chục triệu với mong muốn sở hữu iPhone sớm. Thế nhưng chỉ sau vài ngày mức giá đã biến động tới không ngờ, không những làm người dùng cảm thấy thiệt thòi mà nó còn làm giảm đi nhiều giá trị sản phẩm họ đang sở hữu. Sự "độc" và "oai" khi sở hữu trước sản phẩm đầy tinh tế này của Apple sụt giảm nhanh đến chóng mặt.
Một vài ví dụ đơn giản: chiếc iPhone 6 Plus 128GB Gold có giá mua vào là 2500SGD tại Singapore (tương đương 43 triệu đồng) vào ngày 19/9 và khi về Hà Nội, chiếc máy này đã mau chóng "bốc hơi" với giá... 65 triệu đồng. Thế nhưng chỉ 1 ngày sau đó, tại Sài Gòn, giá một chiếc iPhone 6 Plus 128GB Gold như vậy lại rơi ngay về mức bán ra 40 triệu đồng, đồng thời giá mua vào tại Singapore sụt giảm mau chóng về mức 2000SGD (tương đương 34 triệu đồng). Và cho đến ngày hôm nay 26/9, mức giá rẻ nhất khi mua vào ở Singapore là 1600SGD (tương đương 27 triệu đồng) trong khi các cửa hàng điện thoại tại Hà Nội đồng loạt để giá 30 triệu đồng. Sau 7 ngày, giá trị của chiếc iPhone đã giảm xuống quá nửa. Cá biệt có trường hợp ghi nhận được tại Trung Quốc, chiếc iPhone 6 Plus 128GB Gold hôm 19/9 đã được bán với giá "kinh hoàng" 95 triệu đồng nhưng bây giờ, khi lượng hàng về dần ổn định, giá của nó chỉ còn chưa tới 30 triệu đồng.
Trong khi đó, những người mua khác đặt trước tiền nhưng chưa có máy có thể sẽ còn khó chịu hơn khi một số cửa hàng báo về giá chênh lệch, nếu muốn có máy luôn trả thêm tiền hoặc chờ đợi... vừa khó chịu vừa mất thời gian. Trong khi thực tế giá đầu vào chợ đen của iPhone 6 và iPhone 6 Plus bên nước ngoài đã về tới mức "chạm đáy".
Kết
Tất nhiên, thuận mua vừa bán vẫn là yếu tố được đặt ra hàng đầu với những cuộc giao dịch. Người dùng hãy chuẩn bị tâm lý vững vàng và tìm hiểu thật kĩ trước khi mua hoặc chờ đợi thời điểm giá sản phẩm ổn định hơn để không bị thiệt quá nhiều. Đối với những thương gia, nên tìm đâu ra trước khi mua máy vào để chắc chắn không bị "hớ". Ở nước ngoài, nhiều thương gia đã phải "đổ máu" khi đánh lẫn nhau cùng như giành giật để có vị trí mua iPhone nhanh nhất.
Xếp hàng với người bản địa để tranh mua iPhone, một số người mua hay thương gia thậm chí còn tấn công nhau chỉ để có vị trí đẹp, dễ mua iPhone nhất. (Ảnh: Hardwarezone)
Trong khung cảnh "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết", các cửa hàng đang làm giá sẽ có lợi nhất. Người dùng cùng những thương gia có ý định mua hay bán iPhone nên tìm tới các cửa hàng lớn có uy tín cũng như có đủ lượng máy bán ra để không phải chờ đợi. Nhìn chung, thị trường biến động "kinh hoàng" như vậy chỉ một lần nữa khẳng định độ nóng của thương hiệu Apple vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm, trái lại còn tăng lên theo thời gian.
(Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment