Một tạp chí công nghệ của Đức bị dọa sẽ không được dùng sản phẩm thử nghiệm hoặc mời tham dự sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple nếu tiếp tục thử nghiệm bẻ cong iPhone 6 Plus.
Bộ phận PR của Apple tại Đức đã có một cách phản ứng thiếu chuyên nghiệp trước bài thử nghiệm bẻ cong iPhone 6 Plus của Computer Bild, theo lời Tổng biên tập tạp chí này, trong một bức thư ngỏ ông gửi trực tiếp cho CEO Tim Cook.
“Thay vì trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc tại sao chiếc iPhone 6 Plus lại nhạy cảm như vậy, một người quản lý đã gọi cho Computer Bild và nói, chúng tôi sẽ không nhận được sản phẩm thử nghiệm và không được mời tham dự các sự kiện chính thức nữa” - ông này cho biết.
Apple muốn báo chí ngừng thử nghiệm việc bẻ cong những chiếc iPhone của họ. |
Scandal iPhone 6 dễ bị bẻ cong của Apple đang trở thành đề tài nóng bỏng trên khắp các mặt báo kẻ từ khi một đoạn video thẻ bẻ cong sản phẩm này của Unbox Therapy được tung lên mạng hôm 23/9. Đoạn video này thu hút vài chục triệu lượt xem và gây sự chú ý lớn trong cộng đồng người dùng smartphone thế giới.
Sau sự ra đi của “nữ hoàng” bộ phận PR của Apple là Katie Cotton đầu năm 2014, công ty có trụ sở tại Cupertino đã tỏ ra mềm mỏng hơn nhiều với báo chí. Tuy nhiên, có vẻ như sự cố iPhone màn hình cong (bendgate) đã khiến “quả táo” nóng mặt trở lại – gây ra phản ứng gay gắt đối với báo chí, hoặc có thể đó chỉ là một cách phản ứng thiếu chuyên nghiệp nhất thời của văn phòng Apple tại Đức.
Apple hiện vẫn chưa có phản hồi chính thức sau sự việc nói trên.
Axel Telzerow – Tổng biên tập của Computer Bild cho biết, họ đã sốc khi thấy chiếc iPhone 6 Plus dễ bị bẻ cong như thế nào và càng ngạc nhiên hơn trước cách phản ứng của Apple. “Chúng tôi chúc mừng ông khi cho ra mắt thế hệ iPhone mới, mặc dù một trong số đó sở hữu một vài điểm yếu khi gia công. Tuy nhiên, chúng tôi thất vọng sâu sắc trước sự thiếu tôn trọng của công ty ông” – Telzerox viết trong bức thư gửi CEO Tim Cook.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple đưa ra lệnh trừng phạt đối với báo chí do những thông tin bất lợi cho hãng. Hồi tháng 11 năm ngoái, Cult of Mac phát hiện ra Apple – giống với một số công ty khác - sở hữu một “danh sách đen” những người trong giới truyền thông sẽ bị trừng phạt do sự “không trung thành”.
Một số phóng viên sẽ có mặt trong danh sách đen của Apple nếu họ thường xuyên đưa ra chỉ trích, nghi vấn hoặc vi phạm thứ gọi là quy tắc của công ty về việc đưa thông tin, chẳng hạn chỉ trích Steve Jobs, lịch sử, văn hóa công ty hoặc các chỉ trích gay gắt các sản phẩm của Apple.
No comments:
Post a Comment