Những ngày này, facebook, một trong những “cộng đồng dân cư” lớn nhất lịch sử nhân loại, kỷ niệm 10 năm ngày ra đời. 10 năm, người ta vẫn chưa phân định rạch ròi bản chất của facebook và trả lời câu hỏi tại sao họ cần facebook.
Trước khi nói về facebook, hãy bắt đầu bằng một câu chuyện. Đó là năm 2008, ba sáng lập viên của The Pirate Bay (Vịnh cướp biển) là Gottfrid Svartholm, Fredrik Neij và Peter Sunde phải ra tòa vì Hollywood kiện họ tội xâm phạm bản quyền.
The Pirate Bay là một website đóng tại Thụy Điển giúp chia sẻ dữ liệu trực tiếp, hiểu một cách đơn giản, thì nó giúp người dùng Internet trên khắp thế giới chia sẻ file với nhau, nghĩa là nhạc, phim, ảnh, game không cần bỏ tiền mua đĩa nữa mà cứ thế “dùng chung”. Theo cáo buộc, website này gây thiệt hại cho Hollywood hàng tỷ USD.
Những người sáng lập ra The Private Bay
Có một đoạn đối thoại rất thú vị đã diễn ra trong phiên tòa. Công tố viên hỏi Peter Sunde: “Các anh gặp nhau khi nào?”. Sunde trả lời: “Trên một chatroom, tôi cũng không nhớ nữa”.
Hỏi tiếp: “Các anh gặp nhau IRL khi nào?”. Sunde: “Chúng tôi không dùng thuật ngữ đó”. Quan tòa hỏi lại: “IRL đó là cái gì thế?”. Công tố:“IRL nghĩa là in real life – trong đời thật”. Ý ông ta muốn hỏi bộ ba sáng lập viên đã gặp nhau trong đời thật khi nào. Sunde vẫn cương quyết: “Chúng tôi không dùng thuật ngữ đó. Chúng tôi chỉ nói là gặp nhau AFK (away from keyboard) – nghĩa là gặp nhau không phải bên bàn phím. Còn với chúng tôi, Internet cũng là đời thật”. Sunde đã cố tình không trả lời câu hỏi dù anh ta thừa hiểu câu hỏi, bởi anh muốn thể hiện một thái độ. Những chuyên gia máy tính ấy đã giúp người ta đưa ra một khái niệm thật hay: chỉ có gặp nhau bên bàn phím hoặc không bên bàn phím thôi. Chứ Internet cũng là đời thật. Internet thật ra vẫn luôn chịu sự kỳ thị của một luồng quan điểm cho rằng nó là “ảo”, “đời sống ảo”, còn ngồi đối diện nhìn vào mặt nhau mới là đời thật. Tất nhiên, đó là vấn đề quan điểm. Nhưng hãy nghĩ về việc này: thời gian bạn sử dụng để lướt facebook, là thời gian thật, bạn bỏ ra một phần đời không nhỏ của mình, tuổi thọ thật, để tham gia vào đời sống ấy. Nếu bạn vẫn cương quyết khải mặc rằng facebook là ảo, thì chính bạn thiệt chứ không ai khác. Mỗi ngày, nếu bạn nghiện facebook ở mức bình thường, bạn sẽ dùng nửa tiếng hay một tiếng để lướt facebook. Nghĩa là cứ 2 năm bạn sẽ mất khoảng một tháng cuộc đời (thật) cho nó. Chưa kể nếu trừ đi thời gian ngủ và chỉ tính thời gian thức, thì tỷ lệ “hy sinh” của bạn còn nhiều nữa. Và bạn bảo rằng nó là ảo? Thế ai sẽ hoàn lại cho bạn từng ấy thời gian, có phải là thuế VAT đâu? Chúng ta chỉ sống một cuộc đời, và khi đã bỏ ra một phần nhiều cuộc đời như thế, chúng ta nên tìm cách biến nó trở thành một đời sống thật. Nếu coi đó là một phần đời, bạn sẽ có cách sống phần đời ấy thật là thú vị. Chơi Candy Crush trên đó cũng là một cách giải trí hay, giữ liên lạc với bạn bè hẳn nhiên là một thói quen tốt, nhưng nếu coi đó là một nơi để tiếp nhận thêm kiến thức, kinh nghiệm xã hội, trau dồi khả năng giao tiếp, hoặc với những người khác coi đó là nơi truyền bá kiến thức, thì cũng không tồi. Nói chung, bạn sẽ tự biết cách có trách nhiệm hơn với thời gian đã bỏ ra. Tất nhiên là bạn phải tự chọn lọc, sống “ngoài đời” cũng vậy thôi, rất nhiều thứ tạp nham. Cơ chế và môi trường của facebook cho người ta điều kiện làm rất nhiều thứ hay. Cái các bạn thu lại trên facebook hay là Internet nói chung, là cảm xúc thật: bạn bực tức thật, vui mừng thật và xúc động thật, thỉnh thoảng là kiến thức thật. Có bao nhiêu mối tình và bao nhiêu vụ án hình sự đã đi ra từ bàn phím. Facebook đủ điều kiện để coi là đời thật. Chính việc người ta coi facebook là ảo một cách rất chủ quan, nó mới trở thành nơi để họ hành xử vô trách nhiệm, kiểu vào nhà Bill Gates hô hào “Việt Nam điểm danh”, tạo ra những thứ nội dung vô nghĩa bậy bạ, coi thường người khác và chính bản thân mình. Ảo thôi mà. Nhiều người muốn xin thêm dù chỉ một ngày sống trên đời cũng không được, ở đây chủ động bỏ ra hàng mấy năm cuộc đời, rồi tự nhủ: “Ảo ấy mà”. Đốt tiền chính ra còn đỡ tiếc hơn. |
No comments:
Post a Comment