Sau khi Flappy Bird chính thức bị khai tử khỏi Google Play và app stores, một tài khoản eBay vào ngày 9/2 đã rao bán chiếc iPhone 5S cũ có Flappy Bird được cài sẵn với giá 650 USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn: redmondpie)
Có vẻ như tờ Forbes không sai khi cho rằng quyết định gỡ bỏ Flappy Bird của Hà Đông là “một trong những hành động khôn ngoan nhất trong lịch sử marketing trên ứng dụng điện thoại”.
Sau khi Flappy Bird chính thức bị khai tử khỏi Google Play và Apple stores khiến người dùng không thể tải mới trò chơi, một tài khoản eBay vào ngày 9/2 đã rao bán chiếc iPhone 5S cũ có Flappy Bird được cài sẵn với giá 650 USD. Trong khi đó, trang web chính thức của Apple Store rao bán bản đập hộp iPhone 5S bộ nhớ 16Gb chỉ có giá 199 USD.
Ảnh chụp màn hình eBay rao bán chiếc iPhone 5S cài sẵn Flappy Bird.
Tưởng như anh chàng này chỉ muốn bày trò đùa vui trên eBay, nhưng sau 14 giờ rao bán, có người đã trả giá tới 99.990 USD, với 6 ngày 10 giờ đấu giá còn lại. Như vậy, với quyết định gỡ bỏ đột ngột của chủ nhân, Flappy Bird không chỉ làm giàu nhanh chóng cho Hà Đông, mà những cá nhân có vẻ chẳng liên quan cũng đang tranh thủ kiếm tiền từ sự kiện đang làm rúng động làng công nghệ này. Trước đó, theo một bài báo của Forbes, tác giả chỉ ra việc tuyên bố xóa bỏ Flappy Bird đã đẩy lượng bình luận và download tăng vọt trên chợ mạng. Sáng ngày 9/2, ông lên App Store và thấy có 75.000 bình luận và đánh giá khoảng 4,5 sao cho Flappy Bird. Đến tối cùng ngày, chỉ vài giờ trước khi game bị dỡ bỏ chính thức, ông lên và kiểm tra lại trong ngạc nhiên khi thấy lượng bình luận tăng vọt chạm 146.000. Forbes cho rằng lượng fans hùng hậu đã làm mọi việc, trong đó có chấm sao và bình luận tốt về Flappy Bird để níu kéo trò chơi ở lại trên App Store. Tuy nhiên, Hà Đông vẫn tiếp tục kiếm được tiền từ Flappy Bird do game không bị xóa trên điện thoại và máy tính bảng, nên nguồn thu từ quảng cáo sẽ dồi dào trong thời gian tới. |
No comments:
Post a Comment