Cho dù chưa đặt văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam và Việt Nam cũng chưa có luật về kinh doanh xuyên biên giới để quản Facebook và các mạng xã hội quốc tế, song với cộng đồng trên 20 triệu người dùng và hơn 8 triệu người dùng Facebook Messenger, mạng xã hội này không thể cứ làm lơ mãi với thị trường Việt.
Bước chân nghe gần hơn…
Tính từ thời điểm tháng 11.2013, bước chân của Facebook vào thị trường Việt nghe đã gần hơn với việc hợp tác với nhãn điện thoại thương hiệu Việt Mobiistar trong chiến dịch “free internet” để kết nối cộng đồng 5 tỉ người trên toàn cầu (chiến dịch “connecting the next 5 billion” do CEO trẻ Mark Zuckerberg của Facebook đề xướng).
Trong sự hợp tác này, phía Mobiistar đã tung ra “Gói thay đổi” (Change Package) miễn phí truy cập internet 3G trong 6 tháng (450MB/tháng) tặng kèm trong giá bán mẫu điện thoại Touch LAI 512. Đổi lại, mẫu điện thoại này được Facebook quảng cáo miễn phí trên trang mạng xã hội của mình. Có thể nói, đây là một trong số những vụ hợp tác hiếm hoi của Facebook đối với doanh nghiệp Việt Nam và càng hiếm hoi hơn khi sự hợp tác này thuộc về lĩnh vực trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).
Những vụ hợp tác của Facebook với các tổ chức hay doanh nghiệp Việt Nam lâu nay dù thuộc về lĩnh vực CSR hay thương mại thường hay được kết nối qua kênh văn phòng Đông Nam Á đặt tại Singapore. Bởi ở Việt Nam, ông Huỳnh Kim Tước lâu nay được nhiều người nhầm lẫn gọi là “tổng giám đốc” hay “trưởng đại diện” Facebook tại Việt Nam song trên thực tế Facebook chưa mở văn phòng đại diện cũng như thành lập Cty tại Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, động thái kép trong tháng 1.2014 vừa qua đã được chính thức công bố chính là bước chân gần hơn của Facebook vào thị trường Việt. Thứ nhất là Cty truyền thông T&A Ogilvy đã chính thức trở thành đại lí truyền thông của Facebook tại Việt Nam và có vai trò làm cầu nối tiếp nhận các thông tin, thắc mắc của giới báo chí chuyển đến Facebook. Thứ hai là Cty CleverAds chính thức trở thành đại lí quảng cáo đầu tiên của Facebook tại Việt Nam. Cty này “sẽ nhận được sự đào tạo, hỗ trợ và có quyền truy cập vào những số liệu thống kê cao cấp của Facebook”, để tăng cường “khả năng tư vấn cho khách hàng của mình những vị trí tối ưu” nhằm “tiếp cận một cách tốt nhất với khách hàng mục tiêu trên Facebook” - thông cáo từ CleverAds cho biết.
Nhấn ga kiếm lợi nhuận chứ đã gắn kết trách nhiệm?
Trong ba “bước chân” gần hơn vào thị trường Việt của Facebook kể trên, suy cho cùng trọng tâm vẫn là những động thái thúc đẩy thương mại và truyền thông. Còn chương trình CSR, Facebook thực hiện còn ở mức hời hợt bởi ngay cả phác họa tổng thể của Mark Zuckerberg về vấn đề này cũng chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể kèm theo.
Một thị trường có hơn 20 triệu người dùng, chiếm xấp xỉ ¼ dân số, là con số đáng mơ ước đối với bất kì một doanh nghiệp nào. Bởi ngay cả các mạng di động Việt Nam không hẳn nhà mạng nào cũng có một cộng đồng thực dùng đông đến như vậy. Ông Darin Williams - Trưởng bộ phận kênh Đại lí (Agency) và Bán lẻ (Reseller) của Facebook Đông Nam Á đánh giá: “Việt Nam là một thị trường cực kỳ sôi động với tỉ lệ tăng trưởng nhanh chóng của điện thoại di động và Internet. Chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác với CleverAds sẽ giúp các marketers Việt có những kinh nghiệm tốt nhất đối với quảng cáo Facebook và các trang Facebook dành cho nhãn hàng, doanh nghiệp”. Việt Nam đã từng là thị trường có mức tăng trưởng người dùng Facebook cao nhất Châu Á trong thời gian qua, vượt qua cả Nhật Bản.
Trong số các tập đoàn về truyền thông số của thế giới có khai thác kinh doanh tại Việt Nam đến nay mới chỉ có Yahoo! mở văn phòng đại diện và sau đó là thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, còn Google và Facebook dù mỗi năm thu được hàng chục triệu USD từ thị trường Việt Nam nhưng vẫn chưa có sự gắn kết trách nhiệm pháp lí. Bởi, sự gắn kết trách nhiệm chỉ có thể thể hiện rõ ràng và chặt chẽ nhất thông qua văn phòng đại diện hoặc doanh nghiệp 100% vốn, song đến nay hai đại gia này vẫn chưa cho thấy rõ có động thái gì.
|
No comments:
Post a Comment