Bản cập nhật iOS 8.0.1 biến iPhone thành “cục gạch” gợi nhớ đến “thảm họa” Apple Maps năm nào. Liệu hai sự cố này có liên quan gì đến nhau?
Câu trả lời, theo hãng tin tài chính Bloomberg, là “có”. Theo nguồn tin hãn này, người chịu trách nhiệm kiểm tra các vấn đề trên hai sản phẩm trước khi phát hành công khai là một. Đó là Josh Williams, quản lý QA (đảm bảo chất lượng) cấp giữa trong nhóm phần mềm – di động iOS của Apple.
Josh Williams là ai?
Williams bị loại khỏi nhóm bản đồ Apple Maps sau khi dịch vụ gặp hàng loạt sự cố lớn nhỏ, buộc Tổng Giám đốc Tim Cook phải đưa ra lời xin lỗi chính thức. Dù vậy, ông vẫn làm nhiệm vụ kiểm tra iOS.
iOS 8.0.1 có mục đích ban đầu là vá lỗi trong iOS 8 song cuối cùng lại làm vô hiệu hóa kết nối di động và cảm biến vân tay Touch ID trên iPhone. Bản cập nhật bị rút sau hơn 1 tiếng nhưng vẫn làm khoảng 40.000 người dùng iPhone 6 và 6 Plus bị ảnh hưởng. Một lần nữa, Apple xin lỗi khách hàng và phát hành bản vá tiếp theo, iOS 8.0.2.
Bloomberg còn tiết lộ nhiều thông tin thú vị về quản lý nội bộ của Apple liên quan đến vấn đề này. Theo đó, Williams làm việc tại công ty từ năm 2000, tốt nghiệp Đại học San Jose. Ông nổi tiếng với các hình xăm và khả năng chơi guitar, làm QA trên phần mềm iPhone từ những ngày đầu tiên.
Hé lộ quy trình QA của Apple
Williams có một đội hơn 100 người khắp thế giới, chuyên khám phá các lỗi (bug) trong hệ điều hành có thể làm khó chịu người dùng. Một nguồn tin của Bloomberg cho biết Apple phụ thuộc vào sức người hơn là công nghệ tự động.
Một trong những hình ảnh khó quên về Apple Maps năm 2012. |
Do có quy mô lớn, không người nào phải chịu trách nhiệm duy nhất khi xảy ra vấn đề. Apple có cả một nhóm Bug Review Board (BRB) chuyên xác định lỗ hổng nào cần khắc phục. Đứng đầu nhóm là Kim Vorrath, Phó Chủ tịch phụ trách Quản lý sản phẩm iOS và Mac. Bà báo cáo trực tiếp lên Craig Federighi, Phó Chủ tịch Kỹ thuật phần mềm của Apple.
Trong các buổi họp, Vorrath, Williams và các thành viên đánh giá lỗi nào cần vá ngay lập tức và cái nào có thể xử lý sau. Họ có xếp hạng riêng cho từng bug, hạng “P1” cao nhất, đồng nghĩa với công ty phải ngừng ngay việc sản xuất nếu xuất hiện P1. Cuộc họp thường khá căng vì các kỹ sư luôn tranh luận cần thêm thời gian cần có để sửa lỗi, còn phụ trách muốn đẩy nhanh tiến độ để kịp hạn chót. Với các lỗi nhẹ hơn như P2 và P3, Apple thường bắt tay vào bản cập nhật ngay trước khi phiên bản đầu tiên được phát hành. Theo cựu nhân viên, đó là vì Apple cần hoàn thiện phiên bản cuối cùng vài tuần trước khi tung ra chính thức để kịp cài đặt trên iPhone đang nằm trên dây chuyền lắp ráp.
Một thách thức khác là các kỹ sư thử nghiệm hệ điều hành mới nhất lại thường chỉ đụng đến iPhone mới cùng thời điểm với người tiêu dùng. Chỉ có Giám đốc cao cấp mới được phép dùng thử sản phẩm mà không cần phải xin phép đặc biệt.
Một cựu giám đốc cấp cao cho biết các cuộc đấu đá nội bộ cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng kiểm thử. Ví dụ, nhóm phụ trách kiểm tra kết nối mạng và di động thỉnh thoảng ngắt liên lạc để rồi sau đó nhóm của Williams phát hiện nó không tương thích với tính năng khác.
Bên cạnh kiểm tra thủ công, đội quản lý chất lượng của Apple cũng nhờ tới công cụ tự động. iPhone được đặt trong phòng thí nghiệm để tiến hành các bài kiểm tra tự động. Apple còn phụ thuộc nhiều vào các lập trình viên thứ ba để xem phiên bản đầu tiên có lỗi nào cần khắc phục không.
Liên quan đến "thảm họa" Apple Maps, Williams không phải người bị trừng phạt nặng nhất. Richard Williamson, Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm, bị sa thải sau đó. Scott Forstal, Phó Chủ tịch Apple phụ trách mọi phần mềm di động, cũng phải ra đi một phần vì dịch vụ bản đồ.
No comments:
Post a Comment