Trang web Wikimedia vừa bác bỏ yêu cầu của một nhiếp ảnh gia đòi gỡ một tấm ảnh mà anh khẳng định đã được sử dụng trên mạng này khi chưa xin phép.
Tờ Telegraph cho biết, nhiếp ảnh gia người Anh David Slater đã ở Indonesia trong năm 2011 để chụp ảnh những con vượn đen, khi một con trong số đó "chôm" chiếc máy ảnh của anh và tự chụp hàng trăm bức selfie (tự sướng).
Dù nhiều bức ảnh trong số đó mờ tịt, vài bức trông đẹp một cách đáng ngạc nhiên, gồm cả một bức trông giống như con vượn đang chụp ảnh selfie. Các bức ảnh đã nhanh chóng được lan truyền trên toàn cầu.
Bức ảnh selfie của chú khỉ gây nên tranh cãi về bản quyền. |
Tuy nhiên, Slater đã không thấy vui sau khi Wikimedia, công ty mẹ của trang web Wikipedia nổi tiếng, thêm bức ảnh vào bộ sưu tập hơn 22 triệu tấm ảnh và video miễn phí bản quyền của hãng. Sự kiện đã châm ngòi cho một cuộc chiến pháp lý giữa đôi bên.
Wikimedia cho rằng con khỉ sở hữu bản quyền bức ảnh, bởi nó trực tiếp bấm nút chụp. Tuy nhiên Slater không chấp nhận lý lẽ này. Anh cho rằng quyết định của Wikimedia đã gây ảnh hưởng tới thu nhập của mình. “Lý lẽ của họ là nếu con khỉ chụp ảnh, nó sở hữu bản quyền, không phải tôi. Điều họ không nhận ra là phải cần tới một tòa án để phân xử chuyện này", Slater nói.
Thông tin gắn với bức ảnh nằm trong kho của Wikimedia có nói rằng nó là ảnh tái sử dụng. Tuy nhiên hãng đã khiến Slater nóng mặt khi viết thêm: “Bức ảnh này thuộc sở hữu chung, bởi nó là tác phẩm của một sinh vật không phải con người. Bởi ảnh không phải do con người chụp nên nó cũng không bị ràng buộc bởi bản quyền".
Nhiếp ảnh gia David Slater trong chuyến đi tới Indonesia năm 2011. |
Slater đã từng khiếu kiện vài lần với Wikimedia. Đôi khi tấm ảnh đã bị gỡ khỏi kho ảnh. Tuy nhiên sau đó nó lại được biên tập viên khác của Wikimedia tải lên. “Tôi đã nói với họ rằng đây không phải bức ảnh miễn phí. Họ không có quyền nói rằng nó là ảnh miễn phí. Con khỉ đã nhấn nút chụp ảnh, nhưng tôi đã sắp xếp bối cảnh", Slater tuyên bố.
Slater cũng nói rằng chuyến đi của anh vô cùng đắt đỏ và anh chỉ kiếm được rất ít tiền từ bức ảnh. Anh cho biết việc khởi kiện có thể khiến mình tốn kém 18.000 USD. “Cứ mỗi 100.000 bức ảnh tôi chụp, chỉ có một bức mang lại tiền và giúp tôi tiếp tục lao động. Và đó là một trong các bức ảnh giúp mang lại tiền. Nó thật sự giống như một năm lao động vậy", Slater quả quyết.
No comments:
Post a Comment